Hội nhập quốc tế trong “kỷ nguyên số” và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
TCCS - Thế giới đang bước vào “kỷ nguyên số” với đặc điểm, tính chất và sự tác động sâu rộng chưa từng có. Các quốc gia trong quan hệ quốc tế cũng đang điều chỉnh chính sách, chiến lược cho phù hợp với những chuyển động, tác động của kỷ nguyên số, trong đó có những nội dung về hội nhập quốc tế. Đối với Việt Nam, việc tranh thủ các cơ hội từ kỷ nguyên số cho hội nhập quốc tế sẽ góp phần thực hiện chủ trương tích cực, chủ động, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Do vậy, việc nghiên cứu cơ hội, thách thức, những vấn đề đặt ra của hội nhập quốc tế kỷ nguyên số trên thế giới, qua đó đề xuất chính sách tham chiếu cho Việt Nam là rất cần thiết.
Thuật ngữ “kỷ nguyên số” (digital age) đã được hầu hết các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng(1). Kỷ nguyên số có các đặc điểm mới, với tính chất, mức độ tác động sâu rộng chưa từng có. Thứ nhất, động lực hình thành kỷ nguyên số là quá trình chuyển đổi số toàn cầu nhằm thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, lối sống và hoạt động trên nền tảng số. Liên hợp quốc cho rằng, các công nghệ số đang phát triển nhanh hơn bất kỳ sáng tạo nào trong lịch sử loài người(2). Thứ hai, lần đầu tiên, một không gian ảo ở quy mô toàn cầu được định hình, tồn tại và ngày càng đan xen chặt chẽ với không gian thực, với khả năng kết nối mạnh mẽ, vượt ra khỏi giới hạn địa lý và ít chịu sự kiểm soát của các chính phủ hơn. Dữ liệu được thế giới tạo ra và lưu trữ trong năm năm trở lại đây được cho là lớn hơn toàn bộ dữ liệu loài người tạo ra trước đó. Thứ ba, sự phát triển, vận động của thế giới cũng như của từng quốc gia, doanh nghiệp, người dân trong nhiều thập niên tới, thậm chí thế kỷ tới được dự báo sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ của kỷ nguyên số. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng, bao gồm chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đang tích cực, chủ động triển khai chiến lược, chính sách về hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế số và các thỏa thuận, thương mại quốc tế thế hệ mới. Mỹ là quốc gia đi đầu về đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trung Quốc đặt mục tiêu tham vọng trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) chú trọng hình thành năng lực tự chủ công nghệ - sáng tạo. Hầu hết các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đều có những chiến lược ở cấp quốc gia để phát triển kinh tế số, như chiến lược “Wawasan Brunei 2035” của Bru-nây; các mục tiêu quốc gia về kỷ nguyên số tới năm 2023 của Cam-pu-chia; các kế hoạch, lộ trình phát triển hạ tầng số, thương mại điện tử và doanh nghiệp số của In-đô-nê-xi-a; Tầm nhìn công nghệ thông tin 2030 của Lào; chiến lược “Ma-lai-xi-a số” của Ma-lai-xi-a; hoạt động của Ủy ban phát triển kinh tế số của Mi-an-ma; chiến lược số quốc gia của Phi-líp-pin; kế hoạch trở thành một quốc gia thông minh đi đầu thế giới về công nghệ thông tin - truyền thông của Xin-ga-po; kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số của Thái Lan giai đoạn 2014 - 2034. Ở cấp độ khu vực, hội nhập số cũng từng bước được thúc đẩy. Năm 2019, ASEAN ban hành một số văn bản liên quan đến hội nhập số, như Chương trình hành động khung hội nhập số giai đoạn 2019 - 2025 và Chỉ số hội nhập số ASEAN (ADII) theo đề xuất của Việt Nam năm 2020.
Cơ hội và thách thức của các quốc gia trong hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số
Về cơ hội
Thứ nhất, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số mở ra cơ hội cho các quốc gia phát triển bứt phá thông qua việc sớm triển khai và hoàn thành chuyển đổi số (thể chế pháp lý, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực số). Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo giá trị tạo ra của chuyển đổi số từ bốn lĩnh vực, gồm ô-tô, hàng tiêu dùng, sản xuất điện và hậu cần (lô-gi-stíc) lên tới 100 nghìn tỷ USD vào năm 2025(3). Các tác động từ chuyển đổi số lớn hơn gấp nhiều lần các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trước đây, do đó quốc gia nào kịp thời tranh thủ chuyển đổi sẽ có cơ hội tạo đột phá, nhảy vọt về phát triển. E-xtô-ni-a là trường hợp điển hình về việc một quốc gia nhỏ thực hiện chuyển đổi số thành công.
Thứ hai, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số tạo cơ hội thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghệ số và nguồn nhân lực có kỹ năng số cũng như giúp nâng cao năng lực tự chủ của quốc gia trong hội nhập quốc tế. Tổng đầu tư cho chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2023 trên toàn cầu được dự báo có thể lên tới 7,4 nghìn tỷ USD(4). Các nước đang phát triển có cơ hội rất lớn đi thẳng vào xây dựng hạ tầng số hiện đại thay vì mất chi phí chuyển đổi từ hạ tầng cũ sang hạ tầng mới như các nước phát triển(5).
Thứ ba, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số giúp mở rộng không gian phát triển của quốc gia trong bối cảnh thương mại và đầu tư truyền thống có xu hướng chậm lại do tác động từ xu hướng bảo hộ và dịch bệnh COVID-19. Năm 2020, lần đầu tiên, các hiệp định về kỷ nguyên số đã được ký kết giữa Xin-ga-po, Mỹ và Chi-lê (tháng 6-2020); giữa Ô-xtrây-li-a và Xin-ga-po (tháng 8-2020). Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thúc đẩy hợp tác về thương mại điện tử. OECD đẩy mạnh các vòng đàm phán về thuế trong kỷ nguyên số.
Thứ tư, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số tạo cơ hội tranh thủ các công cụ số trong đối ngoại để phát huy vị thế và ảnh hưởng của các quốc gia. Hiện nay, có đến 98% các nhà lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao của 193 thành viên Liên hợp quốc kết nối với nhau qua trang Twitter với 620 triệu người theo dõi(6). Dịch bệnh COVID-19 giúp đẩy mạnh hơn việc sử dụng các công cụ số trong quan hệ quốc tế, như tổ chức các hội nghị đa phương, song phương trực tuyến, truyền tải các thông điệp đối ngoại, xây dựng hình ảnh, bổ trợ hiệu quả các kênh đối ngoại truyền thống.
Thứ năm, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số tạo cơ hội nâng cao đồng bộ sức mạnh tổng hợp quốc gia trên nền tảng các yếu tố đã phân tích như trên. Phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là nhân tố giúp tăng “sức mạnh cứng” về kinh tế, quân sự, đồng thời cũng giúp tăng “sức mạnh mềm” về ảnh hưởng, uy tín quốc tế, sức hấp dẫn mô hình phát triển... Nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò gia tăng của dữ liệu và thông tin sẽ khiến trọng tâm địa - chính trị, địa - kinh tế thế giới nằm ở các “trung tâm dữ liệu”, mà không phải tại các nước, các khu vực có nhiều tài nguyên truyền thống.
Về thách thức
Một là, hội nhập quốc tế kỷ nguyên số tạo ra nguy cơ về tụt hậu kinh tế. Các nước phát triển có tiềm lực về tài chính, công nghệ sẽ đầu tư và triển khai chuyển đổi số nhanh hơn các nước khác. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển chậm đưa ra các chính sách chuyển đổi số, hội nhập trong lĩnh vực số sẽ gặp khó khăn hơn về thu hút nguồn lực cho chuyển đổi số. Với tốc độ phát triển rất nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), nguy cơ tụt hậu xa hơn của các quốc gia “chậm chân” cũng lớn hơn rất nhiều so với trước đây.
Hai là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số khiến gia tăng thách thức về bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Nguy cơ an ninh mạng đối với các quốc gia ngày càng tăng, với thiệt hại năm 2021 từ tấn công mạng lên tới hơn 4% GDP toàn cầu(7). Các thách thức về quốc phòng, an ninh gia tăng do sự phát triển của các vũ khí, khí tài thế hệ mới tích hợp công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI)... Việc các nước tiến hành chiến dịch thông tin giả để chống phá, can thiệp lẫn nhau, làm gia tăng rủi ro về mức độ và quy mô bất ổn xã hội. Phương Tây, Nga và Trung Quốc ngày càng khác biệt về thúc đẩy chủ quyền quốc gia không gian mạng hay duy trì không gian mạng tự do và mở(8).
Ba là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số tạo ra thách thức trong quản lý hoạt động của khu vực tư nhân trong không gian mạng. Việc một số ít tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đóng vai trò chính về hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu tạo ra rủi ro lớn đối với an ninh quốc gia của các nước. Xử lý mối quan hệ giữa chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn là bài toán nan giải, ngay cả đối với các cường quốc như Mỹ. Các nước đang phát triển gặp nhiều thách thức trong quản lý các hoạt động kinh tế, nhất là các dịch vụ, nền tảng số xuyên biên giới, như đánh thuế, kiểm soát nội dung số, quản lý lao động làm việc xuyên quốc gia trong không gian số...
Bốn là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số khiến các quốc gia phải đối mặt với những tác động từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong xây dựng và định hình “luật chơi” toàn cầu, nhất là trong không gian số. Đơn cử như, cạnh tranh trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ số có khả năng sẽ gia tăng khi một số quốc gia, như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị phát hành các đồng tiền số, coi đây là đơn vị tiền tệ quốc gia chủ quyền.
Do đó, có không ít vấn đề đặt ra từ hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số. Thứ nhất, ứng phó với các bất ổn do cân bằng quyền lực trong quan hệ quốc tế bị phá vỡ từ sự phát triển của các công nghệ số, chuyển đổi số, nhất là AI, vào những mục đích không minh bạch. Sự chậm trễ trong triển khai các chiến lược, kế hoạch về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ được cho là sẽ để lại hệ lụy không nhỏ về phát triển và an ninh của các quốc gia. Thứ hai, xử lý các phức tạp phát sinh từ nguy cơ gia tăng sự đối nghịch về ý thức hệ. Đó là việc xây dựng và áp dụng các loại hình công nghệ mới, như in-tơ-nét vạn vật, AI để can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước của quốc gia khác, thông qua các thông tin giả, kích động bất ổn qua không gian mạng, mất an ninh dữ liệu, mất kiểm soát kết cấu hạ tầng, can thiệp sâu hơn vào các cuộc bầu cử dân chủ. Thứ ba, yêu cầu đặt ra trong việc bảo đảm xây dựng năng lực số của quốc gia (thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực), đóng vai trò quyết định trong tiến trình chuyển đổi số nói riêng và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số nói chung. Thứ tư, sự cấp thiết trong giải quyết, thu hẹp khác biệt giữa các quốc gia trong xây dựng một khuôn khổ quản trị đa phương cấp độ toàn cầu đối với các lĩnh vực số. Nhiều khả năng các nước sẽ thúc đẩy hợp tác song phương, tiểu đa phương, từ đó hình thành mạng lưới các cơ chế quản trị số đa tầng nấc cũng như tập hợp lực lượng về kinh tế số, với vai trò ngày càng tăng của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Thứ năm, sự cần thiết trong việc chung tay của các quốc gia trong xây dựng các quy định quản lý đối với hoạt động Tập đoàn Công nghệ đa quốc gia (Big Tech), ngăn ngừa sự đi quá xa của các tập đoàn này trong can thiệp đến các vấn đề chính trị, thậm chí là an ninh, chủ quyền của các quốc gia và hệ thống quốc tế.
Cơ hội, thách thức đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số
Trong 35 năm đổi mới và phát triển, tiến trình hội nhập quốc tế trở thành một quyết sách chiến lược, phục vụ trực tiếp nhu cầu của đất nước, phù hợp với các xu thế lớn trên thế giới. Trong giai đoạn 1986 - 2000, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khóa VI, ngày 20-5-1988, về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới, đã có nhận thức ban đầu khách quan về quá trình quốc tế hóa, từ đó tạo tiền đề cho những nhận thức đầy đủ hơn về hội nhập quốc tế giai đoạn tiếp theo. Đại hội VII của Đảng (năm 1991) xác định phương châm “mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi”(9). Đại hội IX (năm 2001) xác định chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”(10). Đại hội X (năm 2006) khẳng định chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”(11). Đại hội XI (năm 2011) đã mở rộng từ hội nhập kinh tế quốc tế sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(12) một cách toàn diện. Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, về hội nhập quốc tế, nêu ra những định hướng quan trọng, làm rõ và thống nhất nhận thức về hội nhập quốc tế và là bước phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục đặt ra yêu cầu cao hơn nữa, đó là “triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(13). Năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả” (14) và xử lý tốt “mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”(15).
Đến nay, Việt Nam đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước thể hiện chủ trương phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số, như Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng và ban hành các chương trình hành động và chiến lược quốc gia tương ứng với các lĩnh vực liên quan, như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Với nền tảng lý luận và tư duy đối ngoại về hội nhập quốc tế luôn được cập nhật phù hợp với thời đại, quá trình triển khai hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số thành tựu quan trọng sau: Một là, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trong 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ bé, đến nay GDP của Việt Nam đạt 262 tỷ USD, tăng hơn 18 lần, đứng thứ 44 trên thế giới. Trong bảng xếp hạng chỉ số quyền lực châu Á (Asia Power Index) năm 2020 do Viện Lowy - viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Ô-xtrây-li-a công bố vào ngày 19-10-2020, Việt Nam vượt Niu Di-lân, xếp thứ 12 về sức mạnh tổng hợp trong số 26 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá(16). Hai là, góp phần vào việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba là, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, mở rộng và tăng cường quan hệ với các quốc gia, với các nước lớn và trung tâm quyền lực hàng đầu thế giới. Bốn là, các hoạt động hội nhập toàn diện, sâu rộng, nhất là đối ngoại đa phương, đã giúp khẳng định và nâng tầm năng lực khởi xướng, nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải của Việt Nam qua đảm nhận thành công nhiều trọng trách, như tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; tiếp tục đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, với nhiều sáng kiến và dấu ấn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Năm là, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường. Các địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng có điều kiện tham gia, tận dụng các cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại.
Những thành tựu đó đã tạo thêm niềm tin để nước ta càng vững bước trên con đường hội nhập, tranh thủ tốt nhất những cơ hội mới đang mở ra. Thứ nhất, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là khát vọng và nỗ lực chung của toàn nhân loại. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế dù gặp những trở ngại, thách thức thời gian qua, nhưng vẫn là xu thế khách quan. Với thế và lực mới, Việt Nam bước vào thời kỳ chiến lược mới, đổi mới toàn diện, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Thứ hai, những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(17). Đây là cơ sở và nền tảng quan trọng cho việc hội nhập quốc tế thời kỳ kỷ nguyên số trong thời gian tới, nhất là sự hình thành hội nhập kinh tế quốc tế số(18). Thứ ba, thông qua mạng lưới hơn 30 đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn lực, đầu tư để nâng cao năng lực quốc gia trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển và bảo đảm độc lập, tự chủ và an ninh(19). Thứ tư, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên số cũng đóng góp vào việc mở ra những phương thức, không gian mới cho hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới, góp phần tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững. Việc tranh thủ thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay là thời cơ chiến lược để đất nước bứt phá, vươn lên, thực hiện các mục tiêu phát triển được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng. Thứ năm, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số tạo ra không gian để Việt Nam phát huy hơn nữa “sức mạnh mềm”, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước. Nền tảng mạng lưới và liên kết kinh tế là cơ sở, tạo điều kiện để Việt Nam tranh thủ hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế, mở rộng và tham gia sâu vào mạng lưới liên kết kinh tế toàn cầu, góp phần định hình các khuôn khổ luật lệ về kinh tế - thương mại mới, trong đó có việc nâng cấp, bổ sung các nội dung về liên kết số, ứng dụng công nghệ để thiết lập các hành lang đi lại an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh những cơ hội, tiến trình hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số của Việt Nam cũng phải đối diện với không ít thách thức.
Một là, cục diện thế giới và khu vực biến đổi khó lường, khó đoán định, gây không ít khó khăn cho công tác dự báo chiến lược. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, các nguy cơ an ninh được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp, gay gắt hơn trước. Nền kinh tế thế giới bước vào thời đại mới về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, đưa tới những thay đổi sâu sắc trong quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội. Các thách thức an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh mạng... ngày càng gia tăng.
Hai là, hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số cũng đặt ra những yêu cầu mới, như đổi mới tư duy, chuyển từ “mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế” sang “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác” và việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số. Ngoài ra, vấn đề luật hóa và thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, cùng với vấn đề mới trong bổ sung, nâng cấp những điều khoản liên quan đến kinh tế số và công nghệ số cũng là một trong những thách thức đối với Việt Nam(20).
Ba là, việc nắm bắt cơ hội, triển khai đồng bộ ở các cấp về thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình số hóa, chuyển đổi số sâu rộng trong bối cảnh năng lực chuyển đổi của Việt Nam còn hạn chế. Nếu không kịp chuyển đổi kịp thời về tư duy và hành động, nguy cơ tụt hậu của đất nước càng nghiêm trọng(21).
Bốn là, những yêu cầu cao hơn về công tác hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số nhằm phát huy “sức mạnh mềm”, vị thế mới về địa - chiến lược, địa - kinh tế, vươn lên đóng vai trò khởi xướng, nòng cốt, hòa giải trong các vấn đề có ý nghĩa chiến lược với Việt Nam. Việc hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số cũng đặt ra những vấn đề mới, như việc bắt nhịp với xu hướng phát triển, phương thức sản xuất mới của thế giới, cân bằng giữa bảo đảm an ninh mạng và phát triển kinh tế số, giữa chuyển đổi số và duy trì an sinh và ổn định xã hội, giữa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Năm là, các nguy cơ đối với an ninh, trật tự xã hội và chủ quyền không gian mạng, bảo vệ chế độ trong bối cảnh không gian mạng có nhiều diễn biến phức tạp. Với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp và nguy cơ phát sinh các bất ổn xã hội cũng khó khăn, phức tạp hơn trước. Bên cạnh đó là thách thức về bảo đảm việc làm, đào tạo lại lực lượng lao động(22).
Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Trên cơ sở những phân tích, đánh giá về cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra nêu trên, để quá trình hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số của Việt Nam trong thời gian tới toàn diện, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả hơn, cần chú trọng một số biện pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; quán triệt và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII và các văn bản quan trọng của Đảng về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030...
Thứ hai, chủ động và kiên trì mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng vì lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi nhằm quyết tâm thực hiện tầm nhìn và khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Thứ ba, chủ động xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong nước để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước, đồng thời hỗ trợ và tận dụng tốt nhất các cơ hội, điều kiện quốc tế mà tiến trình hội nhập quốc tế đem lại.
Thứ năm, củng cố niềm tin chính trị, đưa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, mạng lưới hơn 30 đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững với những phương thức sáng tạo, hiệu quả; đặt nội dung phát triển ở vị trí trọng tâm của các mối quan hệ và tranh thủ thúc đẩy, khai thác các cơ hội về kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, các xu hướng phát triển xanh, bền vững...; chủ động, tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần vào quá trình hình thành các cấu trúc khu vực và toàn cầu, đặc biệt cân nhắc tính đến xây dựng nội hàm về một cấu trúc an ninh không gian mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương(23); phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh.
Thứ sáu, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tránh để bị rơi vào thế bị động, bất ngờ. Theo đó, tăng cường công tác nghiên cứu dự báo, chia sẻ thông tin về hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế số; mở rộng đối thoại chính sách, trao đổi kinh nghiệm, tri thức về hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số; xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa(24).
Thứ bảy, trên cơ sở Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, có thể cân nhắc nghiên cứu, xây dựng và ban hành một văn bản mới của Đảng về những chủ trương, định hướng mới trong chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, nhất là trong kỷ nguyên số, trong đó tập trung vào một số nội hàm, như: hội nhập kinh tế quốc tế trong kỷ nguyên số làm trung tâm, tạo lan tỏa, động lực cho công tác hội nhập của các lĩnh vực khác; giữ vững an ninh ổn định, trật tự xã hội, bảo vệ chế độ và đầy lùi các nguy cơ, tác động tiêu cực từ không gian mạng... Văn bản mới này sẽ là cơ sở tham chiếu quan trọng để các cơ quan liên quan đồng bộ phối hợp triển khai một cách tích cực và hiệu quả trong thời gian tới./.
---------------
(1) Tháng 10-2013, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển trong kỷ nguyên số. Năm 2014, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số. Tháng 6-2020, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức Phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) coi kỷ nguyên số là bối cảnh của nhiều báo cáo của tổ chức này, https://www.worldbank.org/en/events/2013/09/20/development-digital-age-tech-and-poverty; https://www.cambridge.org/core/journals/international-legal-materials/article/united-nations-general-assembly-resolution-on-the-right-to-privacy-in-the-digital-age/136942F57940B12E0733852518E4B68C
(2) United Nations: The Impact of Digital Technologies, https://www.un.org/en/un75/impact-digital-technologies
(3) World Economic Forum (WEF): “Digital transformation of industries”, 2016, http://reports.weforum.org/digital-transformation-of-industries/wp-content/blogs.dir/94/mp/files/pages/files/wef-digital-transformation-of-industries-2016-exec-summary.pdf
(4) International Data Corporation (IDC): “Worldwide Digital Transformation 2020 Predictions”, 2019, https://www.idc.com/getdoc.jsp?containerId=prUS45617519
(5) Felipe L Monteiro, Gabriel Rozman, Anne-Marie Carrick: “Digital Transformation in Latin America: A Leapfrogging Opportunity”, 2019
(6) Twiplomacy: “Twiplomacy Study 2020”, https://twiplomacy.com/blog/twiplomacy-study-2020/
(7) “29 Must-know Cybersecurity Statistics for 2020”, https://www.cyber-observer.com/cyber-news-29-statistics-for-2020-cyber-observer/
(8) Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, chủ quyền mạng là việc tôn trọng quyền của mỗi nước lựa chọn con đường phát triển in-tơ-nét, mô hình quản trị in-tơ-nét, chính sách công về in-tơ-nét của mình cũng như tham gia bình đẳng vào quản trị không gian mạng quốc tế. Xem thêm: “Remarks by H.E. Xi Jinping President of the People’s Republic of China” At the Opening Ceremony of the Second World Internet Conference, December 16, 2015, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjdt_665385/zyjh_665391/t1327570.shtml
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, 1991, tr. 119
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, tr. 120
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, 2006, tr. 112
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, 2011, tr. 236
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, t. 2, tr. 154
(14), (15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 331, 333
(16) Xem: “Viet Nam: Ranked 12 of 26 for comprehensive power, with an overall score of 19.2 out of 100”, https://power.lowyinstitute.org/countries/vietnam/
(17) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, https://nhandan.com.vn/chinhtri/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-636568/, truy cập ngày 5-4-2021
(18) Theo nghiên cứu của Công ty Google (Mỹ) và Cơ quan Temasek (Xin-ga-po), kinh tế số của Việt Nam đạt 12 tỷ USD vào năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế số hóa lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Dự báo, đến năm 2025, tăng trưởng nhờ vào kinh tế số tại Việt Nam có thể đạt 43 tỷ USD, https://www.blog.google/documents/47/SEA_Internet_Economy_Report_2019.pdf
(19) Theo Trung tâm Cạnh tranh thế giới (WCC), các đối tác của Việt Nam có thế mạnh về công nghệ số, gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan
(20) Các FTA về kinh tế số, cơ chế liên kết số là những vấn đề mới, đòi hỏi sự nghiên cứu về phương thức (ký mới hoặc nâng cấp từ các FTA có sẵn), cách thức (song phương, hợp tác ba bên - bốn bên, đa phương nhiều nước), hình thức (FTA, hiệp định kết nối kinh tế...), lựa chọn đối tác trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, xu thế bảo hộ tiếp diễn và tác động từ dịch bệnh COVID-19
(21) Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá để chuyển đổi số, Việt Nam cần bảo đảm các yếu tố là khả năng kết nối số, hệ sinh thái thanh toán số, kỹ năng lao động số, logistics cho kinh tế số và các chính sách, quy định liên quan, http://documents.worldbank.org/curated/en/328941558708267736/
(22) Tổ chức Lao động thế giới (ILO) dự báo trong 10 năm tới, khoảng 56% tổng số lượng việc làm ở 5 nước ASEAN, bao gồm: Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam, có nguy cơ cao bị mất do tác động của công nghệ, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---ed_dialogue/---act_emp/documents/publication/wcms_579554.pdf
(23) Cân nhắc chủ động đề xuất các nội hàm, thành tố về nâng cấp cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm cả không gian mạng) tập trung vào ba nội dung chính: 1- Cảnh báo sớm; 2- Xây dựng lòng tin; 3- Nâng cao năng lực (capacity building)
(24) Khảo sát độc lập từ nhóm nghiên cứu cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp, người dân, thanh niên và các tổ chức phi chính phủ về chuyển đổi số hiện nay ở mức tương đối cao, từ 50% - 80%. Giới trẻ thể hiện hoài bão và mức độ tự tin cao (90%) trong nỗ lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng công nghệ của đất nước; xây dựng nền ngoại giao hiện đại...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.